Kỹ thuật trồng cây ngô

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY NGÔ:

 

      Là lương thực quan trọng và chủ yếu sau cây lúa, ngô là cây trồng được bà con nông dân rất trú trọng sử dụng. Nguyên liệu thứ yếu sau lúa gạo để chế biến thức ăn cho người và gia súc, cây ngô đang góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp của nước ta ngày một đi lên. Vì vậy, quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ngô cần phải được thực hiện một cách chuyên nghiệp và hợp lý, giúp bà con nông dân giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng. Sau đây, chúng tôi xin chia sẻ với bà con một số kiến thức về kỹ thuật chăm sóc cây ngô như sau:

    Đặc tính của cây ngô là thích hợp với nhiệt độ cao, chu kỳ từ lúc gieo hạt đến khi chín: với giống chín sớm, tổng nhiệt độ hoạt động là 2000-2200℃; giống chín trung bình là 2300-2600℃; giống chín muộn 2500-2800℃. Ngô sẽ phát triển tốt ở nhiệt độ khoảng 24-30℃, nhiệt độ >35℃ sẽ làm chết hạt phấn của cây; nhiệt độ >38℃ sẽ làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Ngược lại nếu nhiệt độ qua thấp (<12℃) sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến giai đoạn nảy mầm. Ngô thuộc loại cây C4, vì vậy cây ngô sử dụng nước hiệu quả hơn các cây khác, nghĩa là với 1kg lúa, cần 1000-1300 lít nước nhưng với 1kg ngô chỉ cần 700-900 lít nước. Ở thời kỳ đầu, cây ngô cần ít nước, sau đó tăng dần khi trổ cờ và giảm ở thời kỳ chín sinh lý.

    Quá trình sinh trưởng của cây ngô phụ thuộc rất nhiều vào ánh sáng. Không chỉ giúp quá trình quang hợp, mà còn tổng hợp chất khô để tích lũy. Vụ trồng ngô càng có nhiều bức xạ, càng có lợi cho cây sinh trưởng, nên bà con cần chọn giống và thời vụ gieo trồng làm sao để cây ngô nhận được nhiều ánh sáng nhất trong vụ.

Cây ngô rất dễ thích nghi với nhiều loại đất như: đất đồi, đất bãi ven sông, đất chuyển màu và đất hai vụ lúa. Tuy nhiên, cây sẽ thích hợp hơn ở đất có thành phần cơ giới nhẹ, độ màu mỡ cao, dễ thoát nước, tầng canh tác dày, đất nhiều mùn và có phản ứng trung tính (PH 6,0-7,0).


*Thời vụ: Năng suất có được như ý hay không tùy thuộc vào điều kiện thời tiết của mỗi vùng miền, vì vậy sẽ có lịch thời vụ khác nhau, bà con nên bố trí thời vụ gieo trồng theo khuyến cáo của các cơ quan ban nghành địa phương để phù hợp với cơ cấu vụ mùa trong vùng.

*Làm đất: Là loại cây trồng có khả năng sinh trưởng và phát triển mạnh, vì vậy để tránh đổ, ngã cây, đất cần được cày bừa kỹ (sâu từ 20-25cm), và phay nhỏ để tạo điều kiện cho rễ cây phát triển mạnh, tăng khả năng chống đổ, ngã cho cây… Cây ngô ít chịu úng, nên khi gieo trồng cần được xẻ rãnh hoặc làm luống cao để hạn chế hiện tượng ngập úng. Để chủ động thời gian cho vụ sau, vụ đông chính là khoảng thời tiết thuận lợi, trên đất hai lúa nên sử dụng phương pháp gieo ngô bầu, ngô bánh, làm đất tối thiểu, lên bang, luống để thoát nước và chống úng cho ngô giai đoạn đầu vụ.

*Chọn giống: Thị trường giống vô cùng phong phú, để lựa chọn được nguồn giống chất lượng, năng suất, tiết kiệm,… bà con cần phải căn cứ vào vụ mùa, chất đất và mức đầu tư mà chọn giống cho phù hợp với nguyên tắc: mùa vụ có nền nhiệt cao, chọn giống ngắn ngày; đất tốt, có điều kiện thâm canh chọn giống có tiềm năng, năng suất cao và ngược lại.

*Gieo trồng ngô:

 Tùy loại hạt giống và mật độ trồng, nên gieo từ 15-20 kg/ha. Dự phòng lượng hạt để trồng dặm. Năng suất phụ thuộc rất nhiều vào mật độ, đặc tính của giống, mùa vụ, chất đất và khả năng thâm canh. Giống dài ngày, ở vụ hè thu và thu đông, nên trồng mật độ thấp do nhiệt độ và độ ẩm không khí cao. Ngược lại ở vụ đông xuân, giống ngắn ngày, đất kém, nền nhiệt thấp nên trồng mật độ cao. Mật độ gieo trồng phổ biến hiện nay từ 5,7-7,1 vạn cây/ha.

Khoảng cách nên bố trí phù hợp hàng cách hàng 60-70cm, cây cách cây 20-25cm hoặc 25-30cm (gieo 1 hạt)

*Bón phân: Hiện nay, năng suất ngô không đạt được chất lượng như ý, do sự thiếu cân đối trong việc sử dụng phân bón, chất vi lượng cho cây. Nếu trồng độc canh cây ngô liên tục trong một thời gian dài, đất sẽ không còn chất dinh dưỡng, độ phì nhiêu giảm, nghèo mùn và mất cân bằng dinh dưỡng.

-Cải tạo PH và độ phì đất:

Căn cứ vào độ chua của đất để bón chất điều hòa PH đất tạo môi trường thuận lợi cho bộ rễ cây trồng phát triển tốt, nâng cao khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, khoáng chất và nước cho cây.

+Đất có độ PH<5: 750 kg/ha; 35 kg/sào 500 m²; 25 kg/sào 360 m².

+Đất có độ PH>5: 500 kg/ha; 25 kg/sào 500 m²; 20 kg/sào 360 m².

-Cung cấp dinh dưỡng cho cây: Đất trồng sau khi lên luống cần rải chất điều hòa PH đất, sau đó bón phân chuồng, tiến hành bón bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng xuống đáy rãnh trồng hoặc hốc trồng, lấp nhẹ một lớp đất bột trước khi tra hạt (cây con). Lưu ý không để hạt giống hoặc cây con tiếp xúc trực tiếp với phân sẽ gây xót hạt, thối mầm và chết cây.

*Bón thúc:

Khi ngô đạt 2-3 lá, sử dụng đạm vàng bón vào đất, đối với đất đủ ẩm, hoặc hòa vào nước tưới nhử cho ngô đối với đất khô, đất chủ động tưới tiêu với liều lượng 40-60 kg/ha; 2-3 kg/sào 500 m²; 1,-2,0 kg/ sào 360 m².

+Bón thúc lần 1: Khi ngô đạt 4-5 lá, rải dinh dưỡng cách gốc 5-10 cm, kết hợp vun lấp nhẹ; dùng 300-400 kg/ ha (15-20 kg/ sào 500 m² hoặc 11-15 kg/sào 360 m²)

+Bón thúc lần 2: Khi ngô đạt 7-9 lá, rải gốc cách 10-15 cm, kết hợp vun cao gốc , cẩn thận ảnh hưởng đến rễ ngô; dùng 400-500 kg/ha (20-25 kg/sào 500 m² hoặc 15-18 kg/sào 360 m2)

*Chăm sóc:

Khi ngô ra 2-3 lá, dùng bầu trồng dặm để đảm bảo mật độ, tránh trường hợp ruộng ngô bị mất khoảng. Tỉa định cây lúc cây ngô 3-5 lá, ổn định mật độ khi ngô 6-7 lá. Đảm bảo đủ nước cho cây, để cây phát triển tốt, năng suất cao.

-Thời kỳ cây 7-9 lá sau khi bón phân 2-3 ngày tưới ngập 1/3 luống

-Thời kỳ trước trổ cờ 10-15 ngày tưới ngập 2/3 luống thấm đều rồi rút cạn.

-Thời kỳ khi ngô đã héo râu, tưới ngập 1/3 luống rồi rút cạn

Khi trời mưa to, đất bị ướt, cần tháo khô nước, xới xáo để ngô không bị úng nước, nhất là thời kỳ cây con.

*Phòng trừ sâu bệnh:

Sâu hại: Cần phun thuốc đúng thời điểm, đúng cách, đúng liều lượng để xử lý triệt để sâu phá hại.

Bệnh hại: Khi xuất hiện bệnh hại, cần cân đối lượng phân bón, sau đó cần phun đẫm phủ toàn bộ diện tích cây ngô bị bệnh.
 

*Thu hoạch: Cần quan sát kỹ càng hạt ngô ở đầu hạt và cuối hạt để xác định thời điểm thu hoạch. Khi lá bao hạt đã khô, hạt cứng, lảy thử hạt, nếu chân hạt có lớp màu đen, chính là thời điểm có thể thu hoạch.

 

Được đăng vào

Viết bình luận